Từ internet
Lưu ý khi ghi hồ sơ ĐKDT vào ĐH, CĐ 2013
Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 19 Tháng 2 2013 07:57 Viết bởi Administrator Thứ ba, 19 Tháng 2 2013 07:56
(GD&TĐ)-Mẫu phiếu đăng ký dự thi vào ĐH, CĐ năm 2013 có một số thay đổi so với năm 2012, trong đó có bổ sung đối tượng dự thi liên thông, thí sinh cần hết sức lưu ý tránh mắc sai sót.
Hồ sơ dự thi ĐH, CĐ năm 2013 gồm một túi đựng hồ sơ, phiếu số 1 và phiếu số 2.
Với túi đựng hồ sơ: Các thí sinh cần điền đầy đủ các thông tin cần thiết ở mặt trước; mặt sau là một số lưu ý về làm hồ sơ đăng ký dự thi (đây chính là một phiếu ĐKDT và sẽ được gửi đến trường ĐH, CĐ nơi thí sinh ĐKDT).
Mặt trước phiếu số 1có nội dung giống mặt trước của túi đựng hồ sơ, mặt sau gồm các thông tin về tên và ký hiệu các trường ĐH, CĐ.
Mặt trước của phiếu số 2 về cơ bản giống mặt trước của túi đựng hồ sơ, mặt sau là hướng dẫn ghi phiếu đăng ký dự thi.
Khi làm hồ sơ ĐKDT, thí sinh lưu ý:
Nếu thí sinh có nguyện vọng 1 (NV1) học tại trường tổ chức thi thì Mục 3 để trống.
Nếu thí sinh có NV học ở trường không tổ chức thi (hoặc hệ CĐ của các trường ĐH) thì sau khi ghi xong Mục 2 (tên trường có tổ chức thi) - không ghi mã ngành, phải ghi đủ thông tin ở Mục 3. Khối thi ghi ở mục 2 và 3 phải giống nhau.
Thí sinh có NV1 học tại trường ĐH, CĐ không thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH, hoặc trường CĐ thuộc các ĐH, sau khi ghi mục 2 phải ghi thêm mục 3.
Nếu thí sinh dự thi liên thông, đánh dấu "X" vào ô bên phải.
Để hoàn tất hồ sơ, thí sinh cần ghi rõ ngày tháng năm làm hồ sơ, ký tên, dán ảnh 4x6 và có xác nhận của trường (nếu đang là HS, SV) hoặc của công an xã/phường (đối với thí sinh tự do đang cư trú tại địa phương). Cách ghi tương tự đối với phiếu số 1 và phiếu số 2.
Hồ sơ hoàn chỉnh gồm: Túi đựng hồ sơ có dán ảnh và đóng dấu giáp lai, phiếu số 1 và phiếu số 2 (đã điền đủ thông tin). 2 ảnh chân dung cỡ 4x6 kiểu chứng minh thư mới chụp trong vòng 6 tháng (có ghi rõ họ và tên, ngày tháng năm sinh, mã tỉnh/huyện và mã đơn vị ĐKDT vào mặt sau tấm ảnh), 2 ảnh này để trong một phong bì nhỏ. Hai phong bì có dán tem và ghi rõ tên, địa chỉ người nhận (địa chỉ này nên giống với mục 16). Bản sao các giấy chứng nhận hợp pháp nếu là đối tượng ưu tiên (con liệt sĩ, con thương binh...).
Đối với thí sinh có NV1 học tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của các trường ĐH hoặc trường CĐ thuộc các ĐH, hồ sơ có thêm 1 bản photocopy mặt trước phiếu ĐKDT số 1 (không được đồ hay ghi thêm gì vào bản photocopy này). Bản photocopy này sẽ được các sở GD&ĐT chuyển cho các trường không tổ chức thi cùng với ảnh và địa chỉ đã dán tem sẵn của thí sinh để các trường này có đầy đủ thông tin của thí sinh như những trường tổ chức thi.
Giáo dục đạo đức HSSV bằng môi trường văn hóa
Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 18 Tháng 2 2013 08:21 Viết bởi Administrator Thứ hai, 18 Tháng 2 2013 08:20
(GD&TĐ)-Thời đại internet, khi những "bẫy" văn hóa "độc" luôn sẵn sàng để HSSV tiếp cận thì việc hướng những đối tượng này tới những hoạt động giải trí lành mạnh, giàu tính nhân văn trở lên vô cùng quan trọng.
TS, Lê Thị Bích Hồng - Ban Tuyên giáo Trung ương khi nghiên cứu đề tài "Những biến đổi lệch lạc trong đạo đức, lối sống của HSSV hiện nay - thực trạng và các giải pháp khắc phục" đã nêu ra 11 vấn đề về thực trạng biến đổi trong đạo đức, lối sống của HSSV, trong đó, vấn đề đầu tiên là đời sống văn hoá HSSV diễn biến theo chiều hướng phức tạp, có nhiều sự lựa chọn khi tiếp cận các giá trị văn hoá.
TS.Hồng dự báo, xã hội hiện đại, khả năng đáp ứng của gia đình sẽ thu hẹp và điều kiện xã hội sẽ tích cực tạo cơ hội tối đa để thoả mãn sự phát triển của thanh niên HSSV. Cuộc đấu tranh về ý thức hệ cũng sẽ diễn ra gay go và quyết liệt hơn, khi các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước muốn tranh thủ một bộ phận thanh niên HSSV chậm tiến, lệch lạc trong đạo đức, lối sống bằng cách sử dụng lối sống thực dụng, ích kỷ, phi nhân tính...tăng cường đưa những sản phẩm văn hóa độc hại, đồi trụy, phản văn hóa...để từng bước làm biến chất thanh niên HSSV. Lối sống và nhân cách sống của thanh niên HSSV trong những năm tới sẽ khác xa với thời kỳ trước đây và hôm nay.
"Ngày nay, nhu cầu hưởng thụ văn hóa lớn, nhưng số đông HSSV ít được tiếp cận với các chương trình nghệ thuật. Những thiết chế văn hóa chung phục vụ nhu cầu giải trí của HSSV quá ít. Cũng vì thế, nhiều HSSV thiếu "mặn mà" với các loại hình nghệ thuật, các hoạt động tập thể; tham gia các hoạt động đoàn thể gần như bắt buộc, hình thức. Vô hình chung sự "bỏ qua" ấy đã tạo thành thói quen thờ ơ với các hoạt động nghệ thuật mang tính giáo dục thẩm mỹ" – TS Hồng nhận định.
Vì vậy, một trong những giải pháp là cần tăng cường các hoạt động văn hóa tại các Trung tâm văn hóa thanh niên cho HSSV. Hướng họ tới những hoạt động giải trí lành mạnh, giàu tính nhân văn để thanh niên HSSV tránh được những cạm bẫy, nọc độc của những sản phẩm văn hóa độc. Khi mặt bằng thưởng thức văn hóa nói chung được nâng cao, thì sự cảm thụ nghệ thuật trong HSSV sẽ có những chuyển biến tích cực. Đây là một chính sách lớn cần phải làm khi mức sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Gần đây, những bộ phim, trò chơi phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, như: Nhật ký Vàng Anh, Bộ tứ 10H, SV96 trở lại năm 2011, Đường lên đỉnh Ôlimpia...đã quan tâm dành riêng cho chính thanh niên HSSV. Tuy nhiên, dù đã xuất hiện tác phẩm dành cho tuổi mới lớn nhưng chưa chú ý đến tính văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt, nên vẫn để nhiều yếu tố nhạy cảm trong phim không phù hợp với tâm lý lứa tuổi.
Bên cạnh đó, xây dựng tốt đời sống văn hoá trong trường học là một trong những nhóm giải pháp quan trọng, là việc làm cần thiết đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội; sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các đoàn thể trong việc phối hợp chỉ đạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
TS.Hồng cho rằng, các hoạt động văn hóa chỉ có thể tác động trực tiếp đến sinh viên khi trường quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao... Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp thường đóng trên địa bàn thành phố lớn, nên ngoài giờ học tập trên lớp, SV còn tham gia nhiều hoạt động ở bên ngoài, như học ngoại ngữ, tin học, làm việc thêm để mưu sinh, giúp đỡ gia đình. Dù một bộ phận SV ít có thời gian, điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa ở trường, nhưng nhà trường phải chủ động tổ chức nhiều hoạt động thu hút họ tham gia. Thêm nữa, phải bổ sung tiêu chí đánh giá SV qua các hoạt động do nhà trường tổ chức, như: Văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động xã hội từ thiện (Đền ơn đáp nghĩa, Ngày vì người nghèo, Hiến máu tình nguyện...)...
Phải quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho việc học tập, ăn ở và hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao cho SV; tổ chức nhiều loại hình câu lạc bộ phù hợp với tuổi trẻ để thu hút được nhiều HSSV tham gia; định kỳ thông báo chính trị, thời sự cho SV; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại giữa các cấp lãnh đạo với SV nhằm lắng nghe những tâm tư của họ, kịp thời giải quyết các chế độ chính sách và những yêu cầu chính đáng của họ.
Cùng với đó, khuyến khích sự đóng góp, hiến tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xây dựng các thiết chế văn hoá trường học; phối hợp cùng địa phương xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh (quản lý dịch vụ văn hóa, truy quét các sản phẩm độc hại và các tệ nạn xã hội...); tổ chức các sinh hoạt văn hoá lành mạnh trong các trường học; kêu gọi văn nghệ sĩ biểu diễn vì thế hệ trẻ HSSV.
Việc phát huy tính tích cực và điều chỉnh những hành vi lệch lạc trong ý thức đạo đức, văn hoá của HSSV, có tác dụng vô cùng to lớn trong việc phát triển và sử dụng nguồn lực quý này. Vì thế, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho HSSV là một nhiệm vụ cần thiết, cấp bách hơn bao giờ hết và cần được toàn xã hội, nhà trường và gia đình quan tâm. Theo đó, vấn đề đặt ra là cần thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, xây dựng đời sống văn hóa trong SV theo những tiêu chí phù hợp để HSSV có bản lĩnh văn hoá, đủ sức tự đề kháng trước những tiêu cực nẩy sinh trong đời sống tinh thần xã hội trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.
(Nguồn GDTD.vn)
Giáo dục phổ thông đã có những chuyển biến tích cực
Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 18 Tháng 2 2013 08:20 Viết bởi Administrator Thứ hai, 18 Tháng 2 2013 08:16
(GD&TĐ) - Chất lượng giáo dục đại trà đã và đang có những chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục "vùng trũng" được nâng lên, chất lượng giáo dục "đỉnh cao" có những khởi sắc và tiếp tục được khẳng định bằng những thành quả đáng trân trọng.
Chương trình sách giáo khoa được xây dựng đã kế thừa và phát huy được những ưu điểm cơ bản của các chương trình trước đây, phù hợp với xu hướng quốc tế về phát triển chương trình với đầy đủ các yếu tố cơ bản là: mục tiêu giáo dục, chuẩn, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục; định hướng phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục; đánh giá kết quả giáo dục.
Nội dung sách giáo khoa đảm bảo được tính khoa học, cơ bản, hiện đại và tiếp cận trình độ giáo dục các nước phát triển trong khu vực; đã chú ý đến sự liên thông trong môn học, giữa các môn học, trong cấp học, giữa các cấp học theo nguyên tắc kế thừa và phát triển; đã chú ý giáo dục toàn diện các mặt đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ, các kĩ năng cơ bản và hướng nghiệp; đã xây dựng được chuẩn kiến thức, kĩ năng mỗi cấp học, các môn học làm căn cứ thống nhất trong quản lý, chỉ đạo và đánh giá kết quả giáo dục. Về cơ bản, chuẩn phù hợp với năng lực nhận thức của học sinh.
Nội dung sách giáo khoa đã đảm bảo tính chính xác, khoa học, cập nhật, phù hợp với trình độ chuyên môn của giáo viên được đào tạo chính quy; đã bám sát mục tiêu, đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình môn học.
Sách giáo khoa đã chú ý tạo cơ hội để học sinh tự học qua các hoạt động giới thiệu mục đích bài học, tình huống có vấn đề, trả lời câu hỏi và làm bài tập tại lớp. Đồng thời có những nội dung, bài tập nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phân hóa trong dạy học; chú ý tạo cơ hội để học sinh hội nhập với cộng đồng thông qua một số chủ đề về truyền thống dân tộc, các nền văn hóa và lịch sử nhân loại, dân số, sức khỏe sinh sản, bảo vệ môi trường. Từ ngữ, hình ảnh minh họa trong sách không gây phương hại đến giới, các tộc người, các nền văn hóa khác nhau.
Công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng. Hàng năm, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ cốt cán giảng dạy phổ thông cho các địa phương trong cả nước nhằm cập nhật, bổ sung kiến thức, hướng dẫn triển khai chương trình, trong đó tập trung vào những điểm mới, điểm khó của chương trình, yêu cầu đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học để phát huy tính tích cực của học sinh. Đồng thời, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về sử dụng thiết bị dạy học.
Hầu hết đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đều có ý thức chính trị và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, giữ gìn nhân cách, sống gương mẫu, lành mạnh, có tinh thần trách nhiệm với ngành, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Chất lượng đội ngũ nhà giáo đã từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của đất nước. Cơ cấu theo cấp học, trình độ đào tạo theo chuyên môn và vùng miền đang dần được cải thiện.
Cơ sở vật chất- kĩ thuật trường học được quan tâm. Việc thực hiện chương trình kiên cố hóa trường học và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã làm cho cơ sở vật chất của nhà trường phổ thông có nhiều tay đổi, góp phần nâng cao chất lượng chương trình giáo dục phổ thông.
Kinh phí mua sắm thiết bị dạy học được Bộ GD&ĐT xây dựng dự toán kế hoạch ngân sách cho từng tỉnh thành phố để Bộ Tài chính thẩm định và phân bổ kinh phí trực tiếp. Quy trình triển khai công tác thiết bị dạy học nghiêm túc, chặt chẽ, đảm bảo tính khoa học, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.
Nhìn chung, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nắm vững và truyền tải được chương trình, chuẩn kiến thức kĩ năng các môn học. Đa số học sinh tiếp thu được chương trình, sách giáo khoa thông qua các hoạt động hỗ trợ nhà trường và theo tài liệu hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các nhà trường đã đưa ra các biện pháp phụ đạo cho học sinh yếu kém.
Chất lượng giáo dục đại trà đã và đang có những chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục "vùng trũng" được nâng lên, chất lượng giáo dục "đỉnh cao" có những khởi sắc và tiếp tục được khẳng định bằng những thành quả đáng trân trọng. Chất lượng giáo dục đỉnh cao có bước phát triển mới thông qua việc phát triển hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu. Trong các kì thi Olympic quốc tế năm 2012, đoàn học sinh Việt Nam đều đạt giải và xếp thứ hạng cao.
(Nguồn GDTD.vn)
Tạm dừng mở mới ngành Tài chính ngân hàng
Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 21 Tháng 1 2013 07:51 Viết bởi Administrator Thứ hai, 21 Tháng 1 2013 07:48
Liên quan đến vấn đề này, trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Việt Nam hôm qua (20/1), ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện số lượng trường đào tạo các ngành này rất lớn, vượt quá nhiều lần so với nhu cầu thực của nền kinh tế. Với những trường chuẩn bị xây dựng đề án để nộp lên Bộ GD&ĐT xin phép mở những ngành này, sẽ đề nghị cân nhắc và nên đầu tư vào những ngành mới có hiệu quả hơn. Tất nhiên, với trường ở khu vực còn khó khăn, đặc biệt là ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ hoặc miền vùng miền Trung, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét cụ thể khi nhà trường có hồ sơ đề nghị mở ngành.
Theo ông Bùi Anh Tuấn, việc cảnh báo này không những giúp ích cho các thí sinh mà còn giúp cho các trường tránh được lãng phí. Tất nhiên, việc này sẽ được tính toán trở lại trong một thời điểm thích hợp.
Cả nước hiện có gần 1000 cơ sở đào tạo ngành kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh. Số sinh viên đang theo học những ngành này chiếm khoảng 1/3 tổng số sinh viên cả nước. Theo một nghiên cứu, năm nay, khoảng 32 nghìn sinh viên chuyên ngành này ra trường nhưng sẽ có khoảng 1/3 trong số này thất nghiệp hoặc phải làm trái nghề.
Trên thực tế, số sinh viên đăng ký vào ngành này cũng đã không còn đông như trước. Nhiều trường, lượng sinh viên đăng ký ngành này giảm 20-30%.
Con số đáng chú ý được Viện Nhân lực Tài chính ngân hàng công bố, trong vòng 4 năm tới, số sinh viên tài chính ngân hàng không xin được việc làm sẽ là khoảng 13000 người.
Hiếu Nguyễn
(Nguồn GDTD.vn)
Nhiều điểm mới trong quy chế thi tốt nghiệp THPT
Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 27 Tháng 12 2012 20:20 Viết bởi Administrator Thứ năm, 27 Tháng 12 2012 20:17
(GD&TĐ) - Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 10/2012/TT-BGDĐT ngày 6/3/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Theo đó, một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT sẽ được sửa đổi như sau:
Đề thi phải có mục cho thí sinh ghi họ tên, số báo danh và chữ ký.
Giám thị trong phòng thi tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát thí sinh trong phòng thi thực hiện đúng Quy chế thi, nội quy thi; nhận đề thi từ Chủ tịch Hội đồng coi thi và giao đề thi cho thí sinh tại phòng thi; ký tên vào giấy nháp và bài làm của thí sinh; thu bài do thí sinh nộp, kiểm tra đủ số bài, số tờ của từng bài và nộp đầy đủ cho Chủ tịch Hội đồng coi thi hoặc người được Chủ tịch Hội đồng coi thi uỷ quyền; lập biên bản và đề nghị xử lý kỷ luật những thí sinh vi phạm Quy chế thi.
Các vật dụng được mang vào phòng thi: Bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình.
Phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi gồm: Lãnh đạo phòng khảo thí, phòng GDTrH, phòng GDTX thuộc sở GD&ĐT hoặc lãnh đạo trường phổ thông. Một Phó chủ tịch Hội đồng chấm thi phụ trách chấm kiểm tra theo quy định tại Điều 26a của Quy chế này. Các phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi khác, mỗi người phụ trách chấm một hoặc hai môn thi.
Mỗi Hội đồng chấm thi có một tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận, độc lập với các tổ chấm thi, thực hiện chấm lại để kiểm tra ít nhất 10% số lượng bài thi do các giám khảo đã chấm xong, theo tiến độ chấm của Hội đồng chấm thi.
Thành phần của tổ chấm kiểm tra: Tổ trưởng là một Phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi; Chủ tịch Hội đồng chấm thi có thể phân công một thành viên của Hội đồng chấm thi làm Phó tổ trưởng, nếu thấy cần thiết; các tổ viên là cán bộ, giáo viên có phẩm chất đạo đức và chuyên môn tốt.
Tổ chấm kiểm tra thực hiện chấm kiểm tra theo Hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT, đảm bảo đủ số lượng quy định, báo cáo kết quả chấm kiểm tra và kiến nghị, đề xuất với Chủ tịch Hội đồng chấm thi vào cuối mỗi buổi chấm, trực tiếp làm việc với các tổ chấm thi và giám khảo có liên quan theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng chấm thi (có ghi biên bản làm việc).
Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định bài thi các môn tự luận của một số Hội đồng chấm thi. Hội đồng chấm thẩm định có thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm cuối cùng về điểm chính thức của bài thi."
Về việc điểm khuyến khích trong công nhận tốt nghiệp đối với GDTX: bao gồm HS đạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; vẽ; viết thư quốc tế; thi giải toán trên máy tính bỏ túi; thi thí nghiệm thực hành bộ môn (Vật lí, Hoá học, Sinh học); thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật do Ngành GD&ĐT phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THPT.
Nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm Quy chế thi: Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) hoặc Thanh tra giáo dục các cấp.
Người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi. Người có bằng chứng về vi phạm Quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận trong vòng 7 ngày, tính từ khi kết thúc ngày thi.
Tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi tổ chức việc tiếp nhận thông tin, bảo quản bằng chứng theo quy định; xác minh tính xác thực của thông tin và bằng chứng theo thẩm quyền hoặc chuyển thông tin, bằng chứng đến cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý. Triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn tiêu cực, vi phạm Quy chế thi theo thông tin đã được cung cấp. Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý và công bố công khai kết quả xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm Quy chế thi. Bảo mật thông tin và danh tính người cung cấp thông tin."
Đình chỉ thi và huỷ kết quả của cả kỳ thi nếu vi phạm một trong các khuyết điểm sau: Mang vào phòng thi tài liệu, vật dụng liên quan đến việc làm bài thi không đúng quy định hoặc vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi (đã hoặc chưa sử dụng); Nhận bài giải sẵn của người khác (đã hoặc chưa sử dụng); Chuyển giấy nháp, bài thi cho thí sinh khác hoặc nhận giấy nháp, bài thi của thí sinh khác; Cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình hoặc làm bài giống nhau do chép bài của nhau.
Giáo dục giới tính: Còn nhiều rào cản
Viết bởi Administrator Thứ sáu, 07 Tháng 12 2012 13:39
(GD&TĐ)-Mặc dù ngành Giáo dục đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường giáo dục giới tính trong nhà trường nhưng do nhiều rào cản, những hoạt động này chưa thực sự đem lại kết quả như mong muốn.
Báo cáo của ông Phạm Vũ Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số về nghiên cứu giới và sức khỏe sinh sản cho thanh niên, HSSV nhấn mạnh đến rào cản về kiến thức về tình dục, sức khỏe tình dục của giáo viên cũng như cách thức đối thoại của giáo viên với học sinh về chủ đề này. Không được giáo dục về giới tính ở nhà trường hay trong gia đình, ngoại trừ một số giáo viên tham gia các chương trình thí điểm do các tổ chức quốc tế tài trợ nên chính bản thân nhiều giáo viên cũng không tự tin về kiến thức tình dục và sức khỏe sinh sản của bản thân.
Thêm nữa, dù nhà trường và giáo viên đã đầu tư nhiều nỗ lực trong việc đưa nội dung về tình yêu và tình dục vào các chương trình bồi dưỡng, tập huấn chẳng hạn như các hoạt động chính khóa hay ngoại khóa. Tuy nhiên, do thiếu các mục đích chung trong đối thoại về sức khỏe tình dục của vị thành niên, thiếu sự nhạy cảm về giới, thiếu tính riêng tư và thiếu các kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể thảo luận một cách hiệu quả với vị thành niên về chủ đề này, việc triển khai giáo dục giới tính trong bối cảnh nhà trường hiện tại vẫn còn hết sức thách thức và kém hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, tại cuộc hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu về giới và sức khỏe sinh sản cho thanh niên, HSSV vừa tổ chức tại Hà Nội cũng cho biết vấn đề giáo dục giới tính trong nhà trường hiện nay còn nhiều khó khăn. Một số ban chỉ đạo và lãnh đạo đơn vị của các sở GD&ĐT và của các cơ sở đào tạo làm việc chưa tích cực và kém hiệu quả, chưa thực sự quan tâm đúng mức đến các công tác này. Cán bộ, giáo viên phụ trách phòng, chống HIV/AIDS còn kiêm nhiệm nên rất thiếu thời gian đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung, công tác giáo dục sức khỏe sinh sản, giới, giới tính và kỹ năng sống nói chung. Năng lực của cán bộ làm công tác giáo dục sức khỏe sinh sản, giới, giới tính, kỹ năng sống, phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. Công tác truyền thông, giáo dục chưa có hình thức mới hấp dẫn đối với HSSV nên không thu hút được sự tham gia của học sinh.
Bên cạnh đó, công tác tư vấn, hỗ trợ HSSV trong giáo dục, chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên cũng như các dịch vụ y tế thân thiện và an toàn cho HSSV hiện còn rất thiếu. Bên cạnh đó, chưa có chế độ kinh phí hoặc kinh phí đầu tư cho các công tác này chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao trong trường học. Việc lồng ghép giới trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình và dự án giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, chưa được thể chế hóa...
Cần nâng cao chất lượng đào tạo về giới
Theo một đánh giá mới đây do UNESCO thực hiện, giáo dục giới tính đã được đưa vào chương trình giáo dục ở cấp tiểu học và trung học nhưng không nhiều trong bậc giáo dục đại học.
Theo một đề tài nghiên cứu nội dung đào tạo về giới trong các trường ĐH ở Việt Nam do Trung tâm nghiên cứu về Phụ nữ thuộc ĐHQGHN chủ trì, mặc dù hoạt động đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu về giới thật sự nở rộ trong những năm gần đây, nhưng chúng chủ yếu diễn ra ngoài phạm vi của trường ĐH. Trong thực tế, hiện đang tồn tại một sự mất cân bằng khá lớn giữa đào tạo về giới trong xã hội và hoạt động đào tạo giới một cách chính quy trong trường ĐH dành cho sinh viên – những người được kỳ vọng sẽ làm thay đổi các mối quan hệ giới bất bình đẳng.
Hiện nay, một số các trường ĐH khối khoa học xã hội như ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN), ĐH mở bán công TP. HCM, ĐH Khoa học Huế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền...đã có nghiên cứu và giảng dạy về giới, tuy nhiên những chương trình nghiên cứu và giảng dạy về giới hoàn toàn riêng biệt và bị bó hẹp trong một số khoa chuyên ngành như Tâm lý học, Xã hội học và Công tác xã hội. Đối với một số trường ĐH thuộc khối ngành Luật, Kinh tế, Kiến trúc... giới được đưa vào giảng dạy bằng cách lồng ghép hoặc với tư cách là một môn tự chọn.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên trong lĩnh vực này cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn. Theo khuyến cáo tại nghiên cứu về giới và sức khỏe sinh sản cho thanh niên, HSSV của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và dân số, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên không chỉ tập trung vào kiến thức mà còn cả việc nâng cao thái độ và mức độ thoải mái của giáo viên về vấn đề tình dục của vị thành niên. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần trang bị cho giáo viên những kỹ năng quan trọng như kỹ năng ra quyết định, từ chối, đàm phán, cách sử dụng bao cao su...để họ có thể truyền đạt lại cho học sinh của mình; đồng thời phải trang bị cho giáo viên các kỹ năng cần thiết để họ có thể nói về những vấn đề liên quan đến tình dục và sức khỏe sinh sản một cách vui nhộn và cởi mở.
(Nguồn: gdtd.vn)
Các bài viết khác...
Tài liệu học tập
Bài giảng môn GDQP của khối 12 bài 3, bài 8
Bài 3: Quân đội và Công an nhân dân Việt NamBài 8: Công tác phòng không nhân dânFont VNI Times nếu máy tính em nào bị lỗi có thể tải font đính kèm tại đâyTải font xuống giải nén ra copy và dán vào đường dẫn như sau: C:\Windows\FontsTài liệu học tập môn GDQP 11 lần 1
Bài 4: đang cập nhật... Bài 5: Kỹ thuật bắn súng AK Bài 7: Kỹ thuật cấp cứu và chuyển thương- Tài liệu học tập môn Hóa học 11 lần 2 (16/04)
- Tài liệu học tập môn Hóa học 10 lần 2 (16/04)
- Tài liệu ôn thi THPT quốc gia môn Ngữ văn năm 2020 (05/04)
- Tài liệu học tập môn Hóa học dành cho các khối lần 1 (04/04)
- Tài liệu học tập môn Tiếng Anh dành cho khối 12 (28/03)
- Tài liệu học tập môn Tiếng Anh dành cho khối 11 (28/03)
- Tài liệu học tập môn Tiếng Anh dành cho các khối (28/03)