Từ internet
45 mô hình, sản phẩm đạt giải Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 6
Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 17 Tháng 9 2013 07:52 Viết bởi Administrator Thứ hai, 26 Tháng 8 2013 15:10
Ban Tổ chức đã trao 45 giải cho 45 đề tài, mô hình, sản phẩm gồm 05 giải nhất, 10 giải nhì, 10 giải ba và 20 giải khuyến khích tại Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Nam lần thứ 6 (2012 - 2013) được diễn ra tại TP.Tam Kỳ vào sáng ngày 26/7/2013.
Cuộc thi do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức.Tại Cuộc thi năm nay, trên toàn tỉnh có 646 mô hình, sản phẩm tham dự. Sau khi tổ chức sơ tuyển ở cấp huyện đã chọn ra 215 mô hình, sản phẩm gửi dự thi ở cấp tỉnh. Số lượng mô hình, sản phẩm tăng hơn nhiều so với năm trước.
Cũng theo Ban Tổ chức Cuộc thi, bắt đầu từ Cuộc thi năm nay, UBND tỉnh đã thống nhất cho tổ chức Cuộc thi thành 02 cấp (cấp huyện và cấp tỉnh) nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo nhiều hơn nữa của các em trên toàn tỉnh.
Nhiều mô hình, sản phẩm của các em đạt giải lần này có sự sáng tạo và đầu tư cao, có khả năng ứng dụng cao và thân thiện với môi trường như "Sản phẩm tẩy rửa từ bồ kết" của em Lê Thị Ý Nhi, lớp 12 trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm – TP.Tam Kỳ, "Phần mềm quản lý học sinh" của em Lê Bảo Hiệp, lớp 5 –Trường Tiểu học Trần Quốc Toản – TP Tam Kỳ; hay các mô hình, sản phẩm mà chúng ta rất quan tâm như "Mô hình nhà chống động đất" của em Nguyễn Quang Hạ, lớp 11 Trường THPT Nguyễn Hiền, Duy Xuyên, mô hình "Robot phá bom điện tử" của em Đoàn Lê Công Khang, lớp 9, Trường THCS Quang Trung, Tiên Phước.
Tại Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi, Ban Tổ chức đã khen thưởng 7 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, tổ chức Cuộc thi tỉnh lần thứ 6 (2012 - 2103). Đồng thời, Ban Tổ chức phát động Cuộc thi tỉnh lần thứ 7 (2013 - 2014)
Nữ sinh xứ Quảng vinh danh tại ĐH Harvard
Lần cập nhật cuối lúc Chủ nhật, 25 Tháng 8 2013 16:57 Viết bởi Administrator Thứ sáu, 23 Tháng 8 2013 14:23
Cô bạn sở hữu chiếc răng khểnh xinh xắn Nguyễn Thế Quỳnh Nhi vừa cùng người bạn rinh về giải thưởng danh giá của ĐH hàng đầu thế giới.
Hoàng Linh và Quỳnh Chi nhận giải tại ĐH Harvard
Sự đồng cảm và những dự án cho người nghèo
Trở về sau chiến thắng lớn tại cuộc thi CDIO Academy thế giới 2013, Nguyễn Thế Quỳnh Nhi và Võ Trương Hoàng Linh càng được người dân Quảng Nam yêu quý. Bởi sản phẩm lọc nước sạch mà hai cô bạn ấp ủ cho người dân quê đất Quảng đã được hội đồng của ĐH hàng đầu thế giới vinh danh.
Ý tưởng nung nấu cho sản phẩm lọc nước sạch xuất phát từ sự đồng cảm với người dân quê Quảng Nam quanh năm không được dùng nước sạch. Ở vùng quê núi đá huyện Tiên Phước thiên tai, khắc nghiệt đời sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Đặc biệt vùng miền Trung hay có bão lũ, nước thường bị ô nhiễm nặng nề, nước sạch vẫn là một thứ rất xa xỉ chỉ thấy trên tivi.
Những người nông dân nghèo không có tiền để mua các loại thiết bị lọc nước hiện đại, họ phải dùng các nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Sống trong hoàn cảnh ấy lại sẵn có xung quanh, Quỳnh Nhi và Hoàng Linh đã quyết tâm tìm và đưa nước sạch về cho người dân quê mình và đôi bạn đã rinh về chiếc cup vô địch cho sản phẩm lọc nước sạch tự chế.
Khiêm tốn, rụt rè là những điều dễ nhận thấy ở cô nữ sinh Khoa Môi trường này. Nhi còn tự nhận mình sống giống... người cao tuổi. Vì “Hầu hết thời gian Nhi chỉ dành cho học tập và làm thêm để có tiền phụ đỡ ba mẹ, chứ Nhi không thích đi chơi hay tám chuyện tào lao. Nên Nhi thấy mình giống mấy cụ già cao tuổi lắm” - cô bạn dí dỏm nói.
Nhi cũng nhận mình được hưởng tính đảm đang, chịu thương chịu khó từ mẹ nhưng ba là người có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời Nhi. “Ba mình là người có suy nghĩ rất sâu sắc và đặc biệt rất thương những người nghèo khổ. Ông làm công việc liên quan đến chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nên Nhi cũng rất đồng cảm, thương và trân trọng những người nghèo khổ” – Nhi tâm sự.
Chính vì vậy, cô bạn này đã có rất nhiều dự án, sản phẩm dành cho những con người có hoàn cảnh đặc biệt ấy. Đó là những dự án Dự án kinh tế cộng đồng hướng về đối tượng đặc biệt là phụ nữ nghèo lao động trên bãi rác Khánh Sơn, Đà Nẵng. Dự án CDIO lại hướng đến người nông dân nghèo. “Nhi nghĩ đấy là những đối tượng cần được quan tâm nhiều hơn” – Nhi bộc bạch.
Quá bất ngờ với giải thưởng của ĐH Harvard
Chia sẻ về giải thưởng mà Nhi và Linh vừa nhận được cô bạn không khỏi phấn khích nói: “Hai đứa mình hoàn toàn không nghĩ rằng dự án của đội lại có được vinh dự ấy. Bước chân lên bục nhận giải đó là lúc mình cảm nhận được cảm giác hãnh diện khi là sinh viên Việt Nam”. Dự án Low cost_ DIY Water Filtering System (sản phẩm lọc nước sạch tự chế) được xướng danh 2 lần trong lễ trao giải và đặc biệt giành được chiếc Cúp Winner danh giá nhất cuộc thi CDIO Academy 2013 đó thực sự là một vinh dự và niềm tự hào vô cùng lớn đối với hai cô gái 9X.
Đây là sản phẩm lọc nước rất gần gũi và thực tiễn với người nông dân Việt Nam, nó có hình dạng giống như một chậu gốm hoặc lọ trồng hoa và có thể lọc được từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi giờ. Giá thành rất rẻ bởi được làm chủ yếu từ đất sét, đá ong, vỏ trấu.
Nhưng để làm ra thành quả ấy, hai cô bạn đã phải trải qua hơn 1 năm mày mò từ bước hình thành ý tưởng, đến thiết kế, sau đó là thực hiện và áp dụng trong thực tiễn. Nhi và Linh đã bỏ ra không biết bao nhiêu ngày giã vỏ trấu, lấy đất sét và nặn ra sản phẩm gốm mà không dùng bàn xoay trong điều kiện thời tiết vô cùng nắng nóng ở quê. “Đá ong và vỏ trấu phải giã bằng tay vì nếu xay bằng máy thì kích thước không đem lại tính hiệu quả cho việc lọc. Sức con gái bọn Nhi và Linh thì yếu nên cũng hơi vất vả, thường bị phồng rộp hết cả tay. Buổi nào làm về người hai đứa cũng đen thui, lem luốc vì đất sét” – Quỳnh Nhi chia sẻ.
Với chiếc chậu lọc nước đơn giản mà thiết thực này, hai cô bạn đã đem đi giới thiệu cho bà con Quảng Nam dùng thử. Điều đặc biệt là nhiều người dân ở đây biết làm gốm nên khi có hướng dẫn họ làm khá tốt. Sản phẩm ít bị nứt, và khá mịn màng, đều đặn.
Khi được hỏi cô bạn có mong muốn phát triển ý tưởng này một cách rộng rãi để trở thành một bà chủ hay không? Nhi thỏ thẻ: “Mình chưa bao giờ có ý định đó đâu. Mình chỉ mong ý tưởng của nhóm được thực hiện và áp dụng rộng rãi trong thực tế, với quy mô lớn hơn, giá thành giảm xuống thấp nhất có thể để bất kỳ người dân nào cũng có được sản phẩm”.
Bạn bè vẫn thường hay trêu đùa Nhi là nhà quê nhưng cô bạn vẫn rất tự hào về điều đó. Nhi cũng mang nét bình dị mộc mạc của người dân quê sang nước Mỹ để nhận giải thưởng danh giá kia.
Họ và tên: Nguyễn Thế Quỳnh Nhi
Năm sinh: 1991
Hiện đang là sinh viên ĐH Duy Tân
Sở thích: Đọc sách ebook
Giải nhất nhóm cuộc thi CDIO 2013.
CDIO: (Conceive - Hình thành Ý tưởng; Design - Thiết kế Ý tưởng; Implement - Thực hiện/Triển khai Ý tưởng; Operate - Vận hành Sản phẩm/Dự án) Tổ chức CDIO, có khởi nguồn từ Học viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ, bao gồm nhiều đại học hàng đầu trên thế giới.
Chị em Hiền - Hòa
Viết bởi Lê Quân Thứ sáu, 23 Tháng 8 2013 09:40
Tiếp tục lần thứ 2 nhận Giải thưởng Ươm mầm tài năng đất Quảng, Trần Thị Diệu Hòa (học sinh lớp 12 chuyên Sinh, trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) khiêm tốn khi cho rằng, mình cần nhiều thời gian nữa mới vươn đến mục tiêu đặt ra.
Chị em Diệu Hiền - Diệu Hòa
Hai “hạt mầm”
Hai chị em Diệu Hòa - Diệu Hiền đã là cái tên quen thuộc với giải thưởng Ươm mầm tài năng đất Quảng. Năm 2011, Diệu Hiền, chị gái Hòa đã được xướng tên cùng “bảng vàng” thành tích tại Lễ trao giải của Quỹ ươm mầm tài năng do Báo Quảng Nam tổ chức. Năm 2012, Diệu Hòa lại tiếp nối bước chân chị. Và năm nay, với thành tích cũ cùng “chiến công” mới, em lập cú đúp khi lần nữa được trao thưởng. Hòa chia sẻ niềm vui: “Em rất bất ngờ khi biết tin. Nhận được giải thưởng vào ngày đầu năm học cuối cấp như một động lực tiếp sức cho đường đua vào đại học của em”. Diệu Hiền, chị gái Hòa cũng vui lây với niềm vui của em gái. “Giải thưởng của Quỹ ươm mầm tài năng đất Quảng đã trợ sức cho hai chị em rất nhiều; vừa về kinh tế vừa là động lực tinh thần để tụi em cố gắng nhiều hơn” - Diệu Hiền nói. Cô gái này cũng vừa tốt nghiệp loại Giỏi khoa Kế toán trường Đại học Quảng Nam.
Để có thể “thuyết phục” được hội đồng xét giải thưởng, bảng thành tích của Trần Thị Diệu Hòa khá dày dặn. Liên tục là học sinh giỏi các năm, Hòa còn có huy chương Đồng môn Sinh học tại cuộc thi truyền thống Olympic 30.4 dành cho các tỉnh Nam Trung Bộ vào cuối năm lớp 10. Bước vào lớp 11, cô gái có duyên với giải thưởng này lại tiếp tục ẵm thêm giải Khuyến khích môn Sinh tại Kỳ thi học sinh giỏi các tỉnh miền Bắc vừa tổ chức tại Hải Phòng. Đam mê kỳ lạ với môn Sinh học, mong muốn khám phá, giải mã những bí ẩn của cuộc sống động - thực vật quanh mình, điều này đã thôi thúc Diệu Hòa không ngừng tìm tòi, học hỏi. Và không chỉ có vậy. Nỗi đau đáu với căn bệnh liệt nửa người của ba cứ thúc giục cô bé phải học hành nhiều hơn, giỏi hơn. Năm học này, Trần Thị Diệu Hòa bận rộn hơn với những mục tiêu và kỳ vọng mọi người đặt trên vai em. “Em vẫn nuôi hy vọng đậu vào trường Đại học Y Huế, trở thành một bác sĩ giỏi để đầu tiên là giúp ba mẹ thoát khỏi phần nào những căn bệnh đang hành hạ”- Hòa chia sẻ.
Như hạt mầm được ươm lên trong vườn xanh đất Quảng, dù nuôi trong mình nhiều dự định, mục tiêu và ở trong một hoàn cảnh khó khăn, nhưng nụ cười vẫn thường trực trên khuôn mặt chị em Hiền - Hòa. Với các em, dù ở bất cứ điều kiện nào, tự tạo lấy niềm vui và sự lạc quan là cách để vươn đến thành công. Đó cũng là cách Hiền - Hòa tự cân bằng cuộc sống để nuôi dưỡng niềm đam mê và cảm hứng học tập của mình.
Vun trồng mơ ước
Hiền và Hòa đều tự ví mình như những “hạt mầm nhỏ, rồi sẽ lớn dần theo từng ngày”. Nhưng muốn nảy thành cây tươi xanh cần hội tụ nhiều điều kiện, và sự trợ lực của xã hội với hoàn cảnh hai em chính là điều kiện tự nhiên tốt nhất nuôi cây lên xanh. Ba năm liền, Giải thưởng Ươm mầm tài năng đất Quảng luôn có tên một trong hai em. Diệu Hòa nói rằng, em biết trong danh sách hồ sơ tham gia giải thưởng có rất nhiều bạn xuất sắc, và phần thưởng này giống như một sự tiếp sức trước những khó khăn của em. Đó là điều quý giá nhất thể hiện sự quan tâm của cộng đồng và mọi người dành cho con đường các em đang đi. Và đúng như mục đích cuối cùng Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng: Tiếp sức cho những tài năng, những ước mơ!
Hành trình đạt đến mơ ước của Diệu Hòa còn khá dài, trong khi Diệu Hiền – chị gái em đã chạm đích bằng tấm bằng loại ưu và nhiều thành tích khác trong giảng đường đại học. Dù vẫn muốn tiếp tục học lên nữa, nhưng Diệu Hiền phải để dành điều ước đó sang một bên, tìm kiếm việc làm và tiếp tục cùng mẹ vun trồng đam mê cho em gái Diệu Hòa đang nỗ lực từng ngày để chinh phục mục tiêu mới. “Năm học cuối cấp em sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa mới có thể vào Đại học Y như đã đặt ra. Trước hết em đang tập trung vào các môn thuộc nhóm khối A, B (Toán, Lý, Hóa, Sinh) để có được điểm thi đại học tốt nhất. Em vẫn sẽ đầu tư vào Kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia, nhưng em xem đây là sân chơi để mình ôn luyện lại kiến thức thôi. Vẫn phải đặt mục tiêu đại học lên hàng đầu”- Diệu Hòa chia sẻ.
Đầu năm học này, tin vui nữa đến với Diệu Hòa khi em được chọn là Đối tượng học lớp cảm tình Đảng. Mong rằng như một sự lan tỏa về tinh thần, Giải thưởng Ươm mầm tài năng đất Quảng sẽ tiếp thêm nhiều điều kiện tự nhiên tốt nhất để cùng với sức bật và bản lĩnh của bản thân, những hạt mầm như Diệu Hòa sẽ nảy lên cây tươi xanh.
(Theo Baoquangnam.com.vn )
Cho những ngày sau
Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 23 Tháng 8 2013 09:39 Viết bởi Chiêu Thục Anh Thứ sáu, 23 Tháng 8 2013 09:33
Những cựu học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đang sinh sống, học tập ở trong và ngoài nước vừa có cuộc hội ngộ, chia sẻ kinh nghiệm học tập với thế hệ “đàn em” cùng trường mang chủ đề “Cho những ngày sau”, do nhóm Tuổi trẻ Quảng Nam kết hợp với Đoàn trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức.
Học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt câu hỏi giao lưu với các anh chị đi trước.
Cuộc gặp ý nghĩa
Mới 13 giờ 30, các bạn học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ngồi chật kín hội trường với sức chứa 500 người, dù buổi gặp gỡ “Cho những ngày sau” được thông báo 14 giờ 30 mới chính thức bắt đầu. Nguyễn Công Thanh - học sinh lớp 10/8 nói: “Khi nghe tin có các anh chị là học sinh xuất sắc của trường qua các năm về chia sẻ kinh nghiệm học tập, kỹ năng sống, em và các bạn trong lớp háo hức vô cùng. Là học sinh mới vào trường nên em càng muốn lắng nghe bí quyết học tập của các anh chị”. Thông tin về cuộc gặp gỡ còn “nóng” bởi danh sách khách mời gồm TS. Lê Đình Phong - giảng viên trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, trước đó là nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc; Hồ Phú Quốc - nghiên cứu sinh ngành Toán tại trường Đại học Chicago, Mỹ; bác sĩ chuyên khoa 1 Phan Hoàng Phương Khanh; Nguyễn Cao Hoài Linh - du học sinh tại Nhật Bản; Nguyễn Văn Đặng Sơn - sinh viên năm 4 trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh; Trần Lê Phương - người đầu tiên “mang” cầu truyền hình trực tiếp trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia (năm thứ 12) về Quảng Nam, đang là sinh viên năm 2 trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh.
Không chỉ tổ chức nên một cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa giữa những người trẻ muốn sẻ chia và được sẻ chia, hình thức buổi giao lưu cũng khá hấp dẫn khi được tổ chức theo kịch bản của chương trình truyền hình Đường lên đỉnh Olympia với 4 phần: Khởi động; Vượt chướng ngại vật; Tăng tốc; Về đích. Không khí sôi động cộng với những câu trả lời hóm hỉnh, dễ thương của các nhân vật giao lưu khiến khoảng cách giữa những người truyền lửa đam mê học tập với các bạn học sinh được rút ngắn. Thầy Nguyễn Đình Tiến - Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ: “Đây thực sự là hoạt động ngoại khóa cần thiết và đầy ý nghĩa với các bạn học sinh nhân đầu năm học mới. Năng lực không thiếu, nhưng điều hầu hết học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm còn thiếu kỹ năng “săn” học bổng, cách thức để vươn cao, bay xa hơn. Sự chia sẻ đầy thực tế của bậc đàn anh hôm nay ắt hẳn sẽ giúp ích nhiều cho các em”.
Xây dựng ý thức tự lập
Hàng loạt câu hỏi của các bạn học sinh được nêu ra và hầu hết đều xoay quanh 2 chủ đề chính: “bí kíp học tập”, “kỹ năng sống”. Trước câu hỏi làm thế nào để có phương pháp học tập hiệu quả, khách mời trong buổi giao lưu đều chia sẻ rằng, các bạn trẻ nên có lựa chọn hình thức tự học phù hợp với bản thân, không nên chạy theo tâm lý số đông, thấy các bạn đi học thêm cũng đăng ký đi học vì sợ thua kém bạn bè. Bạn Hồ Phú Quốc chia sẻ: “Trước khi quyết định đăng ký học thêm, các bạn nên cân nhắc đi học vì bạn hay vì mình, có thể tự bổ sung kiến thức hay cứ nhất thiết phải nhờ thầy qua hình thức học thêm. Sau này, khi vào đại học và nghiên cứu, các bạn sẽ thấy lợi ích của việc tự học. Do đó, càng sớm càng tốt, hãy tạo cho mình kỹ năng làm việc độc lập, tự học, tự nghiên cứu”. Đồng tình với ý kiến trên, Trần Lê Phương cũng chia sẻ: “Các bạn thường thắc mắc về những kiến thức mình có được trong thời gian nước rút thi Olympia, thi tốt nghiệp và thi đại học. Đa số là những kiến thức mình tự tích lũy bắt đầu từ năm cấp 2. Một tháng trước khi thi tốt nghiệp, mình gần như chọn phương pháp tự học là chính, có gì không hiểu thì nhờ thầy cô giảng giải giúp hoặc truy cập internet để xem các bài giải hay clip giảng bài của các thầy cô”.
“Sốc nhiệt”, “sốc văn hóa”, “thiếu kỹ năng làm việc nhóm”… là những cụm từ mà thế hệ đàn anh đi trước chia sẻ kinh nghiệm của chính mình để các bạn trẻ có thể rút ra bài học, chuẩn bị tốt cho chặng đường dài phía trước. Do đầu vào của trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm khá cao nên nhu cầu tìm kiếm học bổng du học tương đối lớn. Dù không đưa ra được những kinh nghiệm cụ thể do thời gian hạn hẹp nhưng hầu hết các bạn đã và đang là du học sinh như Lê Đình Phong, Hồ Phú Quốc, Nguyễn Cao Hoài Linh đều cho rằng học bổng có rất nhiều và đăng công khai trên website của các trường. Vấn đề là bạn phải có ngoại ngữ tốt, có khả năng làm việc nhóm tốt để được đánh giá cao khi phỏng vấn. Các bạn phải luôn tự tin, hòa nhập với bạn bè, vì như thế cũng là tạo nhiều cơ hội cho chính bản thân. TS. Lê Đình Phong chia sẻ: “Cuộc gặp gỡ hôm nay là cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giúp những học sinh còn mơ hồ, tự ti về bản thân xác định lại chính mình. Hiện nay, các em còn sống trong vùng “an toàn”, nhận được sự quan tâm lo lắng của ba mẹ, nhưng hãy nhanh nhất có thể, xây dựng cho mình một cuộc sống tự lập. Muốn quyết định điều gì, cần phải hiểu rõ bản thân muốn gì, làm được gì để có quyết định sáng suốt. Đường phía trước còn dài, nhưng mong các bạn đang ngồi dưới kia, sau này sẽ là những người đứng trên diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm với lớp đàn em của mình”.
(Theo Baoquangnam.com.vn )
Thủ lĩnh trẻ tương lai
Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 17 Tháng 4 2013 09:29 Viết bởi Administrator Thứ tư, 17 Tháng 4 2013 09:21
Tăng cường các biện pháp chống tiêu cực trong Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2013
Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 27 Tháng 2 2013 08:07 Viết bởi Administrator Thứ tư, 27 Tháng 2 2013 08:03
(GD&TĐ) - Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 10/2012/TT-BGDĐT ngày 6/3/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Theo đó, tại kì thi tốt nghiệp THPT 2013, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường hơn nữa các biện pháp chống tiêu cực.Tăng cường các biện pháp chống tiêu cực
Ở kì thi tốt nghiệp THPT năm 2013, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm Quy chế thi. Nơi tiếp nhận là Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, thành phố; Thanh tra giáo dục các cấp.
Người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi; Người có bằng chứng về vi phạm Quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận trong vòng 7 ngày, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý; không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất cứ hình thức nào.
Đối với tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi thì phải tổ chức việc tiếp nhận thông tin, bảo quản bằng chứng theo quy định; xác minh tính xác thực của thông tin và bằng chứng theo thẩm quyền hoặc chuyển thông tin, bằng chứng đến cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý; Triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn tiêu cực, vi phạm Quy chế thi theo thông tin đã được cung cấp; Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm Quy chế thi.
Thí sinh được mang các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. Đây là một biện pháp để phòng chống tiêu cực trong phòng thi.
Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm
Thí sinh sẽ bị đình chỉ thi và huỷ kết quả của cả kỳ thi nếu vi phạm một trong các khuyết điểm: Mang vào phòng thi tài liệu, vật dụng trái với quy định hoặc vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi; Nhận bài giải sẵn của người khác; Chuyển giấy nháp, bài thi cho thí sinh khác hoặc nhận giấy nháp, bài thi của thí sinh khác; Cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình hoặc có bài thi giống nhau do chép bài của nhau.
Huỷ kết quả thi và cấm thi từ 1 đến 2 năm, nếu vi phạm một trong các khuyết điểm: Hành hung giám thị, giám khảo, người phục vụ của các Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi, Hội đồng phúc khảo; Gây rối làm mất trật tự an ninh ở khu vực coi thi, gây hậu quả nghiêm trọng cho kỳ thi; Khai man hồ sơ thi hoặc nhờ người thi hộ; Vi phạm quy định cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi.
Chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi tự luận
Mỗi Hội đồng chấm thi có một tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận, độc lập với các tổ chấm thi. Thành phần của tổ chấm kiểm tra gồm: Tổ trưởng là Phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi; Chủ tịch Hội đồng chấm thi có thể phân công một thành viên của Hội đồng chấm thi làm Phó tổ trưởng, nếu thấy cần thiết. Các tổ viên là cán bộ, giáo viên có phẩm chất đạo đức và chuyên môn tốt.
Tổ chấm kiểm tra thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi tự luận, theo tiến độ chấm của Hội đồng chấm thi. Báo cáo kết quả chấm kiểm tra và kiến nghị, đề xuất với Chủ tịch Hội đồng chấm thi vào cuối mỗi buổi chấm. Trực tiếp làm việc với các tổ chấm thi và giám khảo có liên quan theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng chấm thi (có ghi biên bản làm việc).
Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận của các Hội đồng chấm thi. Hội đồng chấm thẩm định chịu trách nhiệm cuối cùng và trình Bộ trưởng việc xử lý điểm chính thức của bài thi".
Thêm các đối tượng thí sinh được cộng điểm
Ngoài các học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi các bộ môn văn hoá lớp 12, sẽ bổ sung thêm các trường hợp được cộng điểm trong kì thi trốt nghiệp THPT 2013. Theo đó, các thí sinh được cộng điểm sẽ bao gồm: Các thí sinh đạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; thi thí nghiệm - thực hành bộ môn (Vật lí, Hoá học, Sinh học); thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật; viết thư quốc tế do ngành Giáo dục phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THPT.
Các bài viết khác...
Tài liệu học tập
Bài giảng môn GDQP của khối 12 bài 3, bài 8
Bài 3: Quân đội và Công an nhân dân Việt NamBài 8: Công tác phòng không nhân dânFont VNI Times nếu máy tính em nào bị lỗi có thể tải font đính kèm tại đâyTải font xuống giải nén ra copy và dán vào đường dẫn như sau: C:\Windows\FontsTài liệu học tập môn GDQP 11 lần 1
Bài 4: đang cập nhật... Bài 5: Kỹ thuật bắn súng AK Bài 7: Kỹ thuật cấp cứu và chuyển thương- Tài liệu học tập môn Hóa học 11 lần 2 (16/04)
- Tài liệu học tập môn Hóa học 10 lần 2 (16/04)
- Tài liệu ôn thi THPT quốc gia môn Ngữ văn năm 2020 (05/04)
- Tài liệu học tập môn Hóa học dành cho các khối lần 1 (04/04)
- Tài liệu học tập môn Tiếng Anh dành cho khối 12 (28/03)
- Tài liệu học tập môn Tiếng Anh dành cho khối 11 (28/03)
- Tài liệu học tập môn Tiếng Anh dành cho các khối (28/03)