Hướng dẫn tuần sinh hoạt công dân – HSSV năm học 2018-2019

Căn cứ Công văn số 3383/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 10/8/2018 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân - HSSV” năm học 2018-2019. Nhằm thực hiện tốt công tác học sinh, tiến hành các hoạt động giáo dục trong năm học mới, Sở GDĐT Quảng Nam hướng dẫn tổ chức một số hoạt động đầu năm học 2018- 2019, cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích
- Hoạt động đầu năm học mới là tuần sinh hoạt tập thể nhằm giúp học sinh làm quen với môi trường giáo dục mới (đối với học sinh đầu cấp), làm quen với thầy giáo, cô giáo, bạn bè, điều kiện học tập; xây dựng mối quan hệ giữa các khối, lớp trong nhà trường; tạo tình cảm, niềm tin của học sinh đối với trường, lớp, thầy cô và bạn bè trong môi trường học tập và rèn luyện.
- Thông qua tuần sinh hoạt tập thể giáo dục ý thức cho học sinh về truyền thống của nhà trường; tiếp cận với các điều kiện về cơ sở vật chất, điều lệ, qui chế, nội quy và các quy định khác liên quan của nhà trường; rèn luyện cho học sinh một số kỹ năng cần thiết khi bước vào năm học mới.

2. Yêu cầu
- Tổ chức các hoạt động đầu năm học mới phải phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và đặc điểm tâm lí, lứa tuổi học sinh, thực sự có tác dụng, hiệu quả, tạo tâm lí vui tươi và ý thức học tập, rèn luyện của học sinh, đặc biệt là học sinh đầu cấp học, phải tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh và không khí vui tươi, phấn khởi trong nhà trường; tránh việc tổ chức máy móc, hời hợt, qua loa hoặc nặng nề, hình thức, gây quá tải cho học sinh.
- Các hoạt động cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự quản của học sinh, gắn với các hoạt động xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường học thân thiện, học sinh tích cực, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.  
- Chú trọng công tác quản lí học sinh, nhất là việc sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, giáo dục học sinh nâng cao ý thức tự quản. Tăng cường giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh ngày từ đầu năm học.

II. Nội dung
1. Đón học sinh đầu cấp học; tổ chức các hoạt động làm quen với thầy giáo, cô giáo, bạn bè, giao lưu giữa học sinh các lớp đầu cấp với học sinh các lớp trên; tạo mối quan hệ thân thiện giúp các em hoà nhập nhanh chóng vào môi trường học tập và rèn luyện mới.

2. Tổ chức các hoạt động giáo dục tập thể để học sinh hiểu về: truyền thống nhà trường, tổ chức và bộ máy, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên,  nhân viên, tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường; các điều kiện về cơ sở vật chất, phòng học, phòng bộ môn, thiết bị dạy học; thư viện, phòng truyền thống, sân chơi, bãi tập, khu giáo dục thể chất, nhà ăn, khu nội trú (nếu có), công trình nước sạch và vệ sinh, bảo vệ môi trường. Hướng dẫn học sinh sử dụng các công trình phục vụ cho các hoạt động trong nhà trường và những vật dụng như: trang phục, đồ dùng học tập của học sinh khi đến trường. Giúp các em tiếp cận và nắm được quy tắc ứng xử, qui chế thi, kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh về học tập và rèn luyện; nội qui, quy định về nề nếp của nhà trường.

3. Giới thiệu, giúp học sinh làm quen với chương trình học tập, giáo dục, phương pháp học tập và rèn luyện ở trường mới, lớp mới, môn học mới một cách tích cực, chủ động; giới thiệu sách giáo khoa, tài liệu tham khảo; khơi dậy trong các em sự yêu thích, hứng thú đối với các môn học. Tổ chức cho học sinh tham gia xây dựng cảnh quan sư phạm, môi trường thân thiện trong nhà trường gắn với Phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tổ chức hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống; phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực học đường.

4. Chú trọng giáo dục cho học sinh ý thức khi sử dụng mạng facebook, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội, Đội trường học và giáo viên chủ nhiệm nhằm theo dõi, quản lí, nhắc nhở học sinh dùng facebook một cách lành mạnh, an toàn, phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật, những tiêu cực khác và những hành vi trái thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh; tổ chức hoạt động giáo dục, hướng dẫn sử dụng, khai thác hiệu quả thông tin trên Internet, mạng xã hội, nâng cao khả năng tự đề kháng trước các thông tin xấu, độc hại, tác động tiêu cực của môi trường mạng, tránh bị lôi kéo tham gia các hoạt động tôn giáo, hoạt động gây mất ổn định, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự…

5. Tích hợp Hoạt động Giáo dục ngoài giờ lên lớp, Công tác học sinh theo các văn bản chỉ đạo của Sở GDĐT còn hiệu lực thi hành để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập học đường; tham gia các hoạt động câu lạc bộ sở thích, văn hóa, văn nghệ, giáo dục kỹ năng sống, rèn luyện thân thể do nhà trường tổ chức.

6. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật cơ bản, cần thiết liên quan tới học sinh như:
- Quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, nội dung liên quan tới người học được đề cập tại Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009; Luật Giáo dục đại học năm 2012; Luật Hình sự 2015 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hình sự 2015.
- Tuyên truyền về công tác an ninh, an toàn trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
- Tuyên truyền, thực hiện Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 07/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020; Quyết định số 1235/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đến năm 2020”, Quyết định số 1236/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2020”. Tuyên truyền thực hiện Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016 - 2020); Quyết định số 4591/QĐ-BGDĐT ngày 02/11/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn (2016 - 2020) của ngành Giáo dục.
- Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, văn hóa giao thông cho HSSV.
- Tuyên truyền chủ quyền biển, đảo và chiến lược biển của Việt Nam; hình thức và phương pháp đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
- Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội; Tổ chức các chuyên đề, các diễn đàn về giáo dục kiến thức gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên, bình đẳng giới, trường học an toàn, bình đẳng.

III. Qui định thời gian tổ chức hoạt động đầu năm học
Tuần sinh hoạt tập thể bắt đầu thực hiện từ ngày 27/8/2018 và hoàn thành  chậm nhất vào ngày 07/9/2019.

IV. Tổ chức thực hiện
1. Các cơ sở giáo dục: Mầm non, Tiểu học, THCS, PTDTNT, THPT căn cứ Công văn này để thực hiện. (Phòng GDĐT kịp thời triển khai Công văn này đến các cơ sở thuộc đơn vị mình).

2. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong công tác ổn định nề nếp, quản lí, định hướng, giáo dục tư tưởng và việc tu dưỡng, học tập, rèn luyện của học sinh; yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động đầu năm học nghiêm túc, thiết thực; nhà trường quán triệt, phát huy vai trò nòng cốt của   giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, phối hợp với Ban Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong, Ban đại diện cha mẹ học sinh; tranh thủ sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở địa phương để tổ chức các hoạt động đạt kết quả tốt.

3. Sau khi kết thúc hoạt động đầu năm học 2018-2019, đề nghị các đơn vị tổng hợp tình hình triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về Sở GDĐT (qua Phòng Công tác Học sinh, sinh viên- Pháp chế) chậm nhất vào ngày 22/9/2018./.

Xem nội dung công văn đính kèm tại đây./.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: